4 Điều học được từ “Bartender giỏi nhất Việt Nam 2012” – Phạm Tiến Tiếp

Cái tên Phạm Tiến Tiếp giờ đây không còn quá xa lạ trong cộng đồng Bartender Việt nhờ cột mốc trở thành Quán quân cuộc thi Diageo Reserve World Class Việt Nam 2012 với món “cocktail hương vị phở” trứ danh. Và không chỉ là danh hiệu đó, nhiều học viên pha chế – ứng viên tìm việc Bartender sẽ phải “ngả mũ – cúi mình – bái phục” về hành trình nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên tự khẳng định mình của “chàng phù thủy pha chế” này.

4 Điều học được từ “Bartender giỏi nhất Việt Nam 2012” – Phạm Tiến Tiếp

Nhắc đến Bartender Phạm Tiến Tiếp – phải gọi tên “cocktail hương vị phở” (Ảnh nguồn Internet)

 

► Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh

15 tuổi – nếu để bạn tự xoay xở mưu sinh, bạn có nghĩ rằng mình sẽ “sống được”?

 

Phạm Tiến Tiếp (SN 1988) sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở Kim Động – Hưng Yên. Mẹ mất từ năm Tiếp 8 tuổi, cha sớm đi bước nữa, chị gái được nhận vào học tại một trường nhân đạo cho trẻ mồ côi – hoàn cảnh đưa đẩy khiến năm 15 tuổi, Tiếp phải nghỉ học và ra Hà Nội mưu sinh. Thời gian đầu, Tiếp đã trải qua cuộc sống lang thang, phải ngủ gầm cầu; ai thuê gì làm nấy, từ phụ hồ – khuân vác – đánh xi giày… cho đến may vá.

Thời gian làm việc ở xưởng may, với sẵn chút năng khiếu nghệ thuật, Tiếp tập tành viết nhạc. Bài hát về trường dạy nghề Koto do Tiếp sáng tác sau đó đã được nhạc sĩ Duy Quang phổ nhạc. Như một lời cảm ơn, Giám đốc trường Koto đã tạo điều kiện để Tiếp được học nhạc. Cũng trong thời gian đó, Tiếp xin làm thêm công việc phục vụ tại một quán bar.

“Có những lúc cần phải bê đồ phục vụ khách nhưng mình lại đứng “chết lặng” vì mải mê ngắm những màn pha chế cocktail thần kỳ của các Bartender. Sau đó mình nghĩ rằng không thể mãi làm công việc bưng bê phục vụ và xác định nghề pha chế cocktail mới thực sự là đam mê – là đích đến của mình. Và thế là mình nghỉ học nhạc để chuyên tâm vào pha chế rồi xin được đứng quầy.” – Tiếp tâm sự.

“Việc pha chế cocktail mới thực sự là đam mê – là đích đến của mình” (Ảnh nguồn Internet)

 

Thế nhưng để được đứng tại quầy bar không phải là chuyện dễ dàng. Chủ quán bar và quản lý quầy đã đặt ra cho Tiếp một thử thách là học thuộc tên tất cả các loại cocktail chỉ trong 1 đêm. Vì quá đam mê với công việc pha chế, chàng trai trẻ đã có màn “chào sân” ấn tượng, hoàn thành xuất sắc thử thách khiến Quản lý vô cùng kinh ngạc.

XEM THÊM:  Thực đơn là gì? 3 loại thực đơn kinh doanh nhà hàng nhất định phải biết

Quãng thời gian sau đó, mặc dù mỗi tháng chỉ nhận hơn 800 nghìn tiền lương – vừa phải chi trả tiền ăn, ở nhưng Tiếp dành hơn phân nửa đến các bar để thử cocktail. “Vì đến nhiều, ngồi lâu, lại hay hỏi này hỏi nọ nên người ta “nhão mặt” nhưng dần dần thấy mình có ý muốn học hỏi nghiêm túc nên mọi người cũng quý và sẵn sàng chia sẻ công thức pha chế.”

Học được công thức, cách pha chế là một chuyện nhưng thực hành như thế nào lại là một chuyện khác. Vì không có rượu ngoại đắt tiền pha chế nên ở nhà Tiếp dùng rượu nếp và chanh để thực hành thao tác với “shaker”. Đến quầy bar, anh chàng “dụ khách” rằng mình mới học được món cocktail mới để khách có hứng thú muốn uống thử. Thế là Tiếp có cơ hội được luyện tập và pha dư ra một tí để tự “kiểm định chất lượng.”

Với những nỗ lực học hỏi không mệt mỏi, Phạm Tiến Tiếp sau đó đã trở thành một nhân viên pha chế thạo nghề. Con đường Bartender của Tiếp sau đó chuyển sang một ngã rẽ mới khi anh quyết định ứng tuyển vào Metropole – một trong những khách sạn 5 sao lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ.

Mặc dù không đáp ứng được điều kiện bằng cấp nhưng chàng trai trẻ đầy tham vọng này vẫn thuyết phục được nhà tuyển dụng bằng lý lẽ của riêng mình. “Tôi không có bằng tốt nghiệp cấp 3 – điều kiện nhỏ nhất để được vào Metropole làm việc. Tôi đã chấp nhận bỏ việc học nhạc, đánh đổi cả công việc đang có tại quán bar nên tôi chẳng còn gì để mất. Tôi đã thuyết phục ban phỏng vấn cho tôi một cơ hội phấn đấu trở thành Bartender số 1 Hà Nội. Vị Giám đốc phỏng vấn khi ấy đã nói rằng Anh thích kiểu người cầu tiến và đồng ý nhận tôi vào làm việc.”

Chuyển sang một môi trường làm việc hoàn toàn mới, dù những ngày đầu còn khá nhiều bỡ ngỡ nhưng chính khách sạn Metropole đã mở ra cho Tiếp cơ hội trở thành một Bartender chuyên nghiệp. Làm việc tại đây, Tiếp có cơ hội tham gia cuộc thi Diageo Reserve World Class Việt Nam 2012 tổ chức tại Nha Trang, xứng đáng trở thành Quán quân với món “cocktail Phở” độc đáo và là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự đấu trường Bartender thế giới tổ chức tại Brazil khi mới 24 tuổi.

Cocktail phở của Phạm Tiến Tiếp còn có tên gọi khác là “Joan Baez cocktail”

 

Sau khi bước ra từ cuộc thi, nhiều cơ hội thăng tiến đến với Tiếp nhưng mong muốn xây dựng một hệ thống bar cho riêng mình đã khiến Tiếp quyết định bắt đầu tự kinh doanh. Với sự khởi đầu này, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Ban đầu anh mở một quán bar có tên Mojito với không gian khá rộng và sau đó chuyển sang một mô hình nhỏ – mang đến cảm giác ấm cúng hơn – lấy tên là The Unicorn pub. Theo chia sẻ của Tiếp – Unicorn là chú ngựa một sừng – một linh vật huyền thoại – biểu tượng cho sự tự do, mạnh mẽ; anh muốn dùng tên gọi này để nhắc nhở bản thân cũng như truyền thông điệp đến mọi người rằng Bartender là những Unicorn đầy hoang dã, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần thân thiện và tinh tế.

XEM THÊM:  Ngành đầu bếp thi khối nào? 9+ thông tin cập nhật mới nhất

► Tự học tiếng Anh mỗi ngày với biệt danh “Fifteen”

Phạm Tiến Tiếp thường được bạn bè gọi với biệt danh “Fifteen” (15) vì khi quyết tâm trở thành nhân viên pha chế, mỗi ngày anh đều tự học 5 từ tiếng Anh mới và 10 loại rượu. Việc kết hợp hoàn hảo giữa học ngoại ngữ và rèn luyện nghề giúp anh dễ dàng phân biệt được các loại rượu, đồng thời cũng tự tin giao tiếp với khách nước ngoài. Chàng trai này say sưa học đến nỗi khi ngủ cũng nói mê về công thức các loại cocktail, tên – xuất xứ – đặc tính của nhiều loại rượu pha chế.

Muốn trở thành một Bartender chuyên nghiệp bạn phải có tiếng Anh (Ảnh nguồn Internet)

 

► Khả năng sáng tạo không có giới hạn

Tên tuổi của Phạm Tiến Tiếp gắn liền với cocktail phở – một loại cocktail đặc biệt ngay từ tên gọi, nguyên liệu cho đến cách thức pha chế. Ngồi trong không gian pha chế loại cocktail này, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nồng nàn của quế, hồi và thảo quả.

Không dừng lại ở đó, Bartender này còn sáng tạo nên cocktail “Under the Bridge” (Phía dưới cây cầu) với hương nước mắm trong thành phần, cocktail Martini bằng hoa sen, cocktail Amulet pha với củ riềng… Có sự ra đời của những loại cocktail này là do “Tôi mong muốn tạo ra những loại cocktail mang hương vị đặc biệt, gợi sự thích thú cho những vị khách cũng như sự tò mò cho những anh em trong nghề”.

Chính sự không bó buộc, giới hạn ý tưởng trong khuôn khổ nào đã giúp “chàng phù thủy cocktail” này tạo ra “những món cocktail khác người”. Trong tương lai, anh mong muốn sẽ tiếp tục sáng tạo thêm những thức uống độc đáo mang màu sắc cá nhân như vậy.

► Vượt qua cám dỗ nghề nghiệp bằng tình yêu nghề chân chính

Làm việc chủ yếu vào ban đêm trong môi trường sôi nổi – thường xuyên tiếp xúc với rượu khiến Bartender trở thành nghề đầy cám dỗ. Môi trường này khiến Bartender có thế đối mặt với những tệ nạn – cám dỗ nghề nghiệp như: cờ bạc, gái mại dâm, thuốc, đánh nhau vì buôn bán rượu ngoại… Thành công khi tuổi đời còn khá trẻ – từng đối mặt với cạm bẫy trong nghề nhưng bằng bản lĩnh, tình yêu nghề chân chính và suy nghĩ phải khiến chị gái tự hào đã giúp Tiếp vượt qua được và gặt hái thành công như ngày hôm nay.

XEM THÊM:  Macchiato là gì? 6 bước siêu đơn giản cho một ly Macchiato chuẩn Ý

Nói về nghề pha chế, Tiếp còn cho biết có một thử thách khác mà các Bartender cần phải vượt qua, đó chính là “tính kiêu ngạo”. Sáng tạo ra một thức uống mới, được khách hàng khen ngợi là điều đáng tự hào nhưng Bartender cần phải biết khiêm tốn và chịu khó học hỏi để giỏi hơn mỗi ngày, bởi trong nghề này “nếu bạn dừng lại một ngày thì người ta sẽ vượt hơn bạn 10 ngày.”

Bartender muốn giỏi phải không ngừng cố gắng mỗi ngày (Ảnh nguồn Internet)

 

Nói về chặng đường đã đi qua, “chàng Bartender má lúm điển trai” chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi quen được những người bạn tốt, họ cho tôi bài học – niềm tin để cố gắng. Thế nhưng dù có may mắn tới đâu thì cũng cần nỗ lực – kiên trì và cầu tiến thì mới thành công được”. Với ước nguyện cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho mình những cơ hội quý giá, Phạm Tiến Tiếp vẫn đang ngày ngày làm một việc đầy tử tế là giúp đỡ, truyền nghề cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn như mình khi xưa để họ có được một nghề nghiệp ổn định.

 

Nghề khách sạn hy vọng những điều được chia sẻ trong bài viết này sẽ là bài học quý dành cho những bạn đang – sẽ theo nghề pha chế Bartender nói riêng và ngành dịch vụ khách sạn – nhà hàng nói chung…

Ms. Smile

Nguồn: tổng hợp Nghề du lịch

Bạn có thấy hữu ích không? Hãy cho chúng tôi +1 nhé

Đăng ký nhận bản tin từ Website TXL

Tìm kiếm tức thì các thông tin tại website: tranxuanloc.com

Mẹo tìm kiếm: "Từ khóa cần tìm kiếm" site:tranxuanloc.com để tìm được kết quả chính xác trên công cụ tìm kiếm của google

Trần Xuân Lộc Blog cung cấp dịch vụ

TOP ĐỐI TÁC CUNG CẤP DỊCH VỤ DU LỊCH TRỰC TUYẾN HÀNG ĐẦU

(Đặt phòng, đặt tour, đặt xe, đặt vé máy bay...Nhấn vào link logo để đặt dịch vụ với nhiều ưu đãi hấp dẫn)

Cảnh báo: Hiện nay có rất nhiều đơn vị SỬ DỤNG LẠI các THÔNG TIN NỘI DUNG ĐÀO TẠO của KHÓA HỌC SALE OTA TỪ OTAVN mà không đảm bảo chất lượng và hỗ trợ về sau. Các bạn muốn đăng ký học SALE OTA uy tín hãy liên hệ trực tiếp với OTA Việt Nam. OTAVN có xây dựng các hình thức đào tạo trực tiếp offline cho doanh nghiệp, đào tạo 1-1 từ xa và tự học online. Chúng tôi có 2 tên miền là: otavietnam.com và tranxuanloc.com (founder) có chia sẻ và đăng tải các thông tin liên quan về OTA/ Sale OTA/ Digital Marketing/ Thiết kế website... Với khách hàng/ đối tác đã sử dụng dịch vụ của OTAVN sẽ được HỖ TRỢ MIỄN PHÍ các vấn đề phát sinh, tư vấn giải đáp sau khi đã hoàn thành khóa học hoặc sau khi đã sử dụng dịch vụ trọn đời. Hotline:0934552325 (iMessage/ Zalo/ Whatsapp) - Email: [email protected]