Đánh thức tiềm năng du lịch Tây Quảng Nam
Làm thế nào để nhanh chóng phát triển du lịch phía tây Quảng Nam vốn rất giầu tiềm năng? Câu hỏi đó đã đau đáu lâu nay với lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý du lịch và doanh nghiệp, người dân xứ Quảng. Với sự phát triển ngoạn mục của kinh tế tỉnh nói chung, của du lịch Hội An, Mỹ Sơn nói riêng, đây là nhiệm vụ và niềm mong mỏi cho giai đoạn trước mắt. Làm gì để du khách trong và ngoài nước lấy Hội An làm trung tâm, từ đó toả đi tham quan, nghỉ dưỡng tại Tây Giang, Đông Giang, Nam, Bắc Trà My?
Đỉnh Quế, điểm du lịch hùng vĩ, huyện Tây Giang, Quảng Nam
Định hướng, mục tiêu phát triển đã rõ ràng, chúng ta cùng thử tìm giải pháp để góp ý, phản biện sao cho có lối đi phù hợp nhất.
Đầu tiên, theo tôi, đó là giải quyết đồng thời 2 yếu tố chính: nâng cao chất lượng, hạ tầng điểm đến và công tác quảng bá, tiếp thị đến đối tượng khách du lịch mục tiêu. Quảng Nam có lợi thế là sẵn nguồn khách đến Hội An, Mỹ Sơn khá lớn, chất lượng cao, phù hợp với hướng phát triển du lịch xanh, khai thác yếu tố sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng. Hãy tìm cách giữ chân chính những du khách đó ở lại với Quảng Nam dài ngày hơn, đi nhiều điểm và chi tiêu nhiều hơn.
Câu Lạc bộ Hướng dẫn viên Du lịch Quảng Nam trong chuyến khảo sát tuyến du lịch phía tây
Bài toán thương hiệu cho Du lịch Quảng Nam không dễ giải khi mà cái tên Hội An, Mỹ Sơn đã quá lớn. Chiến lược nào để cộng sinh, bổ trợ cho nhau? Trước mắt, Quảng Nam cần và nên cho khách du lịch biết rõ rằng Hội An, Mỹ Sơn thuộc về Quảng Nam và ngoài 2 di sản văn hoá thế giới đó, du lịch Quảng Nam còn rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác, đặc biệt là phía tây với nhiều thắng cảnh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ cùng nền văn hoá bản địa vô cùng đặc sắc.
Quần thể rừng Pơ mu nghìn năm tuổi tại huyện Tây Giang, Quảng Nam
Quảng Nam hầu như có tất cả những gì mà Du lịch Việt Nam có. Đúng. Một chương trình quảng bá công phu mà Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa lên kế hoạch cho năm du lịch Quảng Nam 2022 là tổ chức Tuần vàng Du lịch – chuyến FAM trip tự túc cho khoảng 1000 du khách là phóng viên, quản trị viên các báo, đài, mạng xã hội, những người làm du lịch và người có ảnh hưởng (KOLs) đến tham quan, khám phá hầu hết các điểm du lịch tiềm năng lớn của tỉnh để khẳng định điều đó. Sự kiện này cũng tạo cú hích, đánh thức từ những Đỉnh Quế, Rừng Pơ Mu, Làng văn hoá Cơ Tu, Cổng trời Đông Giang, hồ Sông Tranh, sông Bung, cửa khẩu Nam Giang, Khâm Đức, Phước Sơn cho đến đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ… Nhưng rất tiếc kế hoạch đó chưa được triển khai. Tuy nhiên, Câu lạc bộ sẽ cố gắng trong năm nay ra được bản đồ tour tuyến và cẩm nang hướng dẫn chi tiết các điểm đến để giúp du khách có cái nhìn tổng thể về du lịch Quảng Nam và thuận tiện hơn trong việc khám phá, liên kết các điểm đến mới đó. Hãy bắt đầu từ những tour du lịch khám phá, trân trọng những bạn “phượt”, họ là “người mở đường”, tích cực góp ý, quảng bá miễn phí, đưa điểm đến lại gần hơn.
Khối núi Ngọc Linh huyền thoại, tiếp giáp giữa Quảng Nam với Kontum.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu là công tác nâng cao chất lượng điểm đến ở cả cơ sở hạ tầng và nhân viên phục vụ. Để sớm có được những điểm đến xứng tầm, cần rà soát, tư vấn, hỗ trợ các điểm tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên để trong thời gian ngắn nhất nâng được chất lượng theo hướng chuyên nghiệp. Chú ý đến xây dựng bản sắc, cá tính cho từng điểm đến để hạn chế sự rời rạc hay trùng lặp, từ đó liên kết các tuyến điểm ở vùng sâu, vùng xa bằng những chương trình, sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Cho phép khách du lịch quốc tế tiếp cận thông thoáng hơn tới các điểm du lịch sâu, xa này. Tận dụng sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ, phát triển, hoàn thiện thêm các điểm du lịch cộng đồng hiện có như Ta Lang, Pơrning của Tây Giang, Bho Hoong… của Đông Giang… Một giải pháp nữa để nhanh chóng cải thiện hạ tầng điểm đến là tham khảo cách mà Hà Giang đã thành công với Làng Văn hoá Du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại Pả Vi, Mèo Vạc. Đó là nhà nước trực tiếp hoặc tạo cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư mặt bằng và hạ tầng, mời gọi người dân và các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, tràn đầy nhiệt huyết cùng đầu tư, quản lý các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Khu/ làng này cần có quy hoạch bài bản, nhất quán về đặc trưng văn hoá, kiến trúc, tập quán, đồng bộ về quản lý, truyền thông… Từ đó, tạo ra được điểm nhấn, có sức hút lớn với du khách và góp phần gìn giữ văn hóa bản địa.
Làng Du lịch cộng đồng thôn Ta Lang, huyện Tây Giang
Về giao thông, tỉnh cũng có cơ chế để “rút ngắn” khoảng cách từ Hội An đến các điểm du lịch phía tây như mở rộng, cải tạo đường xá, tổ chức các tuyến buýt định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần. Tạo cơ chế khuyến khích các công ty du lịch đưa khách đến trong giai đoạn đầu. Tổ chức thường xuyên hơn các sự kiện văn hoá, du lịch tại các điểm đến đó và kết hợp với chương trình OCOP để quảng bá những sản phẩm đặc trưng của địa phương làm tăng sức hấp dẫn với du khách và góp phần cải thiện kinh tế địa phương.
Lê Quốc Việt
Nghề khách sạn
Nguồn: tổng hợp Nghề du lịch
Bạn có thấy hữu ích không? Hãy cho chúng tôi +1 nhé
Đăng ký nhận bản tin từ Website TXL
Tìm kiếm tức thì các thông tin tại website: tranxuanloc.com
Mẹo tìm kiếm: "Từ khóa cần tìm kiếm" site:tranxuanloc.com để tìm được kết quả chính xác trên công cụ tìm kiếm của googleGỢI Ý: Khóa học sales OTAOTA là gìđăng ký kênh OTAEmail theo tên miềnCRMWP Content Crawlerchuyển VPSACF