Hiểu đúng về CHIẾN LƯỢC mà nhiều người vẫn nhầm với chiến thuật, mục tiêu

Chiến lược, chiến thuật và mục tiêu không chỉ tôi mà nhiều bạn cũng đã từng nhầm lẫn về khái niệm và cách áp dụng. Nếu có điều kiện bạn nên tham gia các buổi chia sẻ trực tiếp (offline) sẽ dễ hiểu hơn và biết cách phân biệt, triển khai hoạch định thay cho việc chỉ đọc sẽ khó tiếp thu hơn. Việc được tham gia buổi chia sẻ ngày 02/10/2022 về CHIẾN LƯỢC CUỘC ĐỜI, CL KINH DOANH, CL CÔNG TY đã cho tôi có cái nhìn chính xác về chiến lược cũng như cách vận dụng nó cho cuộc sống, cho công ty.

Trước đây tôi có đăng bài chia sẻ về Chiến lược và mô hình kinh doanh của Anh Nguyễn Hữu Long: https://tranxuanloc.com/phan-biet-mo-hinh-kinh-doanh-va-chien-luoc-kinh-doanh/ và sau khi tham dự thì thực sự đã hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của Chiến lược, tư duy chiến lược. Và chủ đề khá nhiều người quan tâm là làm sao bán được hàng, cách chốt sales: https://tranxuanloc.com/dung-co-chot-thay-doi-tu-duy-ban-hang-lam-sao-ban-duoc-hang/

Trong bài viết này mình xin được chia sẻ, tổng hợp những kiến thức về CHIẾN LƯỢC mà mình đã thu nhận học hỏi từ Group PTDNV và Anh Nguyễn Hữu Long, hy vọng những nội dung chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn (đang có ý định khởi nghiệp) có cái nhìn đúng, hãy phân tích, hoạch định chiến lược trước khi làm, còn những doanh nghiệp/ công ty nhỏ chưa có chiến lược thì hãy làm ngay. Nếu bạn nếu muốn xem bài viết gốc trong nhóm bạn phải đăng ký thành viên, khi được duyệt thì mới xem được.

Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu
Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu

KHÁI NIỆM CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ?

Chiến lược là cái gì? Nghe thì đã thấy có vẻ nghiêm trọng và quan trọng rồi. Tuy nhiên từ “Chiến lược” được dùng nhiều quá đến nỗi nhiều người đã làm khái niệm bị sai lệch và nhầm lẫn với nhiều thuật ngữ khác như mục tiêu, tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi, kế hoạch, chiến thuật…

CHIẾN LƯỢC là cách thức/ con đường để đạt được mục tiêu dài hạn. đó là TẬP HỢP CÁC LỰA CHỌN, được LIÊN KẾT VỚI NHAU để TẠO VỊ THẾ KHÁC BIỆT cho danh nghiệp, nhằm TẠO LỢI THẾ BỀN VỮNG và GIÁ TRỊ VƯỢT TRỘI so với đối thủ để đạt được MỤC TIÊU

Chiến lược là thứ trừu tượng, đòi hỏi sự chú tâm và năng lực tư duy ở tầm cao nên muôn đời vẫn sẽ là câu hỏi khó. Tuy vậy, nó chỉ là “con ngoáo ộp” đối với những người thích cách làm việc tùy tiện, cẩu thả, chụp giật, với lối tư duy “ngắn ngày”. Ngược lại, nó rất thân thiện, dễ gần, và rất hữu ích đối với những người muốn nhìn xa, trông rộng, thích nghĩ chuyện “đường dài”, và làm gì cũng cẩn trọng, căn cơ.

HIỂU ĐÚNG VỀ CHIẾN LƯỢC!

Một quốc gia không có chiến lược (hoặc chọn chiến lược sai) sẽ mãi mãi thua kém, tụt hậu…
Một tổ chức không có chiến lược, sẽ chẳng biết đi đâu, về đâu…
Một công ty không có chiến lược, sẽ dễ có “cái chết bất ngờ”
Một cuộc đời không có chiến lược, sẽ để lại nhiều hối tiếc…

Chiến lược là gì mà nhiều người quan tâm nhưng không mấy ai hiểu hết ý nghĩa của nó?
Chiến lược là gì mà doanh nghiệp nào cũng nhắc đến, nhưng không mấy doanh nghiệp thực sự có nó?
Chiến lược là gì mà từ cấp quốc gia cho đến tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí từng gia đình, mỗi cuộc đời đều phải nghĩ đến nếu không muốn loay hoay, lầm lạc, lỡ bước, sai đường?

Chiến lược là gì mà bao nhiêu sách vở, bài giảng, tài liệu dường như vẫn không thể chuyển tải hết ý nghĩa đích thực?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chiến lược có thể được tìm thấy trong sách vở hoặc trên mạng. Tuy vậy, tôi luôn hiểu một cách đơn giản, chiến lược là cách thức hay con đường (way) để tổ chức đạt được (to achieve) một hay nhiều mục tiêu dài hạn (long-term objectives).

Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu 2
Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu 2

Chiến lược tuy muôn hình, muôn vẻ, nhưng việc hoạch định nó (chiến lược) thực ra, cũng chỉ gói gọn trong việc trả lời bốn câu hỏi chính:
(1) Chúng ta đang ở đâu?
(2) Xung quanh chúng ta đang có gì?
(3) Chúng ta muốn đi đâu, về đâu?
(4) Chúng ta làm thế nào để đến đó?
(5) Chúng ta làm gì để giữ vững (*) – học thêm từ offline

Chỉ bốn câu hỏi thôi nhưng đủ để làm “điên đầu” bao chiến lược gia, bao nhà lãnh đạo (quốc gia và tổ chức, doanh nghiệp). Chỉ bốn câu hỏi thôi, nhưng nhiều người, bao gồm cả những thiên tài, cũng không thể trả lời được cho chính cuộc đời mình.

Để hoạch định chiến lược, chúng ta phải biết rõ về chính chúng ta (nguồn lực của chúng ta đến đâu, năng lực lõi chúng ta là gì, chúng ta những có điểm mạnh/ yếu nào); phải biết rõ môi trường chung quanh chúng ta như thế nào (vĩ mô, vi mô, sản phẩm, thị trường, thị phần, cạnh tranh, …, có những cơ hội /nguy cơ gì); chúng ta muốn đi đâu, về đâu trong dài hạn (mục tiêu dài hạn là gì?); và chúng ta sẽ đến đó bằng cách nào (how to get there?)

Ở mỗi tổ chức, doanh nghiệp (và cả ở tầm quốc gia), nếu lãnh đạo không thể trả lời đúng, đủ (và kịp thời) các câu hỏi trên, hệ quả sẽ là những bước đi loanh quanh, lên xuống bất thường, hoặc cứ mãi “là là”, không “cất cánh” được. Nguy hiểm hơn, một câu trả lời sai, có thể phải trả giá bằng cả một sự nghiệp (hay nhiều thế hệ).
Long Nguyen Huu – Group PTDNV
(Hình minh họa: Chủ đề hội thảo gần 4 năm trước)

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/1316339891875605/

CHIẾN LƯỢC ĐỂ LÀM GÌ?

Có người nói chiến lược là để tăng trưởng (to grow). Người khác nói chiến lược là để chiến thắng (to win). Người khác nữa nói, chiến lược là để giành lợi thế cạnh tranh (to gain competitive advantage). Và nhiều người nữa nói, chiến lược là để phát triển bền vững (for sustainable development)…

Nghe hoành tráng và hấp dẫn lắm. Ít ai nói chiến lược là để thu hẹp, co cụm, cắt giảm… Càng ít hơn nói chiến lược là để rút lui khỏi một số ngành hay thị trường. Và gần như chưa thấy ai nói chiến lược là để… thất bại theo cách thức tối ưu nhất!

Hiểu chiến lược chỉ để chiến thắng, tăng trưởng, hay phát triển là một cách hiểu lạc quan. Nhưng nếu hiểu một cách máy móc thì khi áp dụng sẽ rất nguy hiểm!

Thu hẹp sản xuất kinh doanh thì sao? Cắt bỏ một số ngành hay rút khỏi một số địa bàn thì sao? Chủ động giảm quy mô thì sao? Chủ động lỗ theo kế hoạch thì sao? Thoái vốn hay rút lui hoàn toàn thì sao? Thưa, đó cũng là chiến lược đấy ạ! Và đã là chiến lược thì nó sẽ mang tính chủ động (proactive) chứ không phải bị động (reactive), dài hơi, chứ không phải giải pháp tình thế, phục vụ mục tiêu lớn chứ không phải kết quả nhỏ… Học chiến thắng, tăng trưởng hay cạnh tranh thì tốt rồi; nhưng cũng cần học để biết cách lùi bước, thu hẹp, cắt giảm, thậm chí từ bỏ (exit strategy)…

XEM THÊM:  FOH là gì? Khám phá 13 vị trí/ khu vực cao cấp thuộc FOH trong nhà hàng - khách sạn resort

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/907086842800914/

CHIẾN LƯỢC PHẢI ĐI TRƯỚC MÔ HÌNH KINH DOANH!

Một mô hình kinh doanh phải nêu rõ khách hàng mục tiêu là ai, quan hệ của cty với họ như thế nào, cty sẽ mang lại giá trị khác biệt gì cho họ, làm thế nào để chuyển giao giá trị này… Để trả lời những câu hỏi này, rất cần những phân tích, bao gồm các phân tích vĩ mô, vi mô, thị trường (dung lượng, tăng trưởng, xu hướng, thị phần…), khách hàng, đối thủ cạnh tranh (hiện tại và tiềm ẩn), nhà cung cấp, sp thay thế…, rồi cả phân tích SWOT để biết cty mình mạnh, yếu chỗ nào, bên ngoài có những cơ hội và nguy cơ nào…

Tất cả những phân tích trên được gọi là PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC (strategic analysis), và là một phần không tách rời của quá trình HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC (strategic planning).

Nếu không làm phân tích chiến lược mà lựa chọn ngay MHKD thì… cũng được, nhưng mà rủi ro sẽ rất cao! Tôi lấy ví dụ, nếu thị trường taxi ở VN đang được thống lĩnh bởi taxi giá rẻ mà chất lượng phục vụ lại cao thì mô hình Grab hiện nay sẽ khó mà cạnh tranh nổi. Mô hình cửa hàng tiện lợi G7 Mart, rồi sau đó là G7-Ministop cũng đã chết vì thiếu phân tích chiến lược hoặc phân tích không kỹ càng, đầy đủ, mà chỉ chạy theo mô hình kinh doanh (copy của nơi khác, nước khác).

Cần hiểu rằng việc chọn mô hình kinh doanh nào, trong đó, chọn khách hàng mục tiêu là ai, cạnh tranh bằng giá trị gì, khác biệt là gì, chuyển giao như thế nào là MỘT PHẦN CỦA HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC KINH DOANH, cụ thể hóa chiến lược kinh doanh (dưới dạng một mô hình), chứ không nên là “đầu vào” của một chiến lược kinh doanh sau đó!

Việc thiết kế hay lựa chọn MHKD chính là một phần của công việc hoạch định chiến lược KD. Bản thân MHKD là “bản vẽ” cụ thể hóa một ý đồ chiến lược đã được chọn (sau phân tích chiến lược). Thực thi MHKD chính là triển khai thực hiện chiến lược kinh doanh (đã được cụ thể hóa bằng mô hình).

Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu Mhkd
Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu Mhkd

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/1287946241381637/

CHIẾN LƯỢC VÀ NGHỊCH LÝ “CÓ”, “KHÔNG”

Chiến lược thực ra là lựa chọn KHÔNG làm gì, hơn là nên làm gì! Nói vậy nghe có vẻ hơi ngược đời, nhưng thực tế, chính vì nhiều người thích hiểu xuôi (lựa chọn làm gì) nên mắc phải sai lầm là chọn nhiều thứ quá! Chiến lược về thực chất là nói “NO!” với rất nhiều thứ để chỉ nói “YES!” với một, hai thứ. Những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp TỪ BỎ rất nhiều thứ để theo đuổi chỉ một, hai thứ.

Chiến lược cuối cùng vẫn là KHÔNG chọn gì, để chọn gì. Tôi luôn nhấn mạnh chữ “không” và chữ “bỏ” khi nói về chiến lược, trong khi nhiều người khác lại thích nói “có” và “chọn”. Và đa số những người nói “có”, cuối cùng lại quay về chuyện nói “không”; đa số những người nói “chọn”, đến khi kiệt quệ mới chịu nói “bỏ”.

*** Khi làm chiến lược cho Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt, tôi cũng nói KHÔNG với rất nhiều thứ được cho là “hấp dẫn” khác để nói CÓ chỉ với hai thứ là CHIA SẺ và HỌC HỎI!

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/855154154660850/

HIỂU THẾ NÀO VỀ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC?

Ta thường nghe nói tư duy chiến lược (strategic thinking). Hiểu về nó thế nào? Nếu tìm trên mạng, ta sẽ thấy một “rừng” câu trả lời; và càng tìm, có thể sẽ càng rối. Tôi diễn giải một cách “bình dân” thế này cho mọi người tham khảo nhé!

Hai từ chiến lược (strategy), bản thân nó đã bao hàm ý nghĩa dài hạn (long term), lớn lao (không phải vụn vặt); là một sự lựa chọn chủ động (proactive) và có cơ sở cho những quyết định hệ trọng (khác với chiến thuật là tactics). Và tư duy chiến lược không gì khác hơn là cách suy nghĩ, cách tư duy hướng đến những mục tiêu lớn lao, dài hạn, và có sơ sở vững chắc, dựa vào những phân tích khoa học, bao quát, đầy đủ, bằng những công cụ phù hợp để đưa ra những quyết định mang tầm chiến lược. Tư duy chiến lược không phải để phán đoán tương lai mà là để

HOẠCH ĐỊNH TƯƠNG LAI trên cơ sở phân tích các thông tin quá khứ, hiện tại, và phán đoán những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.
Muốn rèn luyện tư duy chiến lược, ta phải rèn luyện khá nhiều thứ. Trước hết, phải có một sứ mệnh (mission) để theo đuổi, một tầm nhìn (vision) dài hạn để khát khao, và biết thiết lập những mục tiêu dài hạn (long-term objectives). Và trước khi đặt mục tiêu, người có tư duy chiến lược phải có khả năng phân tích (analyse) và tổng hợp (synthesize) các yếu tố bên trong (intertnal factors), bên ngoài (external factors) để biết mình đang ở đâu, chung quanh đang có gì trước khi nói đến chuyện đi đâu, về đâu…

Bên trong là nguồn lực nội tại (resources) với những thế mạnh (strengths) và điểm yếu (weaknesses) của chính mình hay tổ chức mình. Bên ngoài là những yếu tố liên quan đến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bao gồm các yếu tố vĩ mô (macro) và vi mô (micro), thị trường (market), những yếu tố có thể tạo ra những cơ hội (opportunities) hay tiềm ẩn những mối nguy (threats), để từ đó có thể vạch ra một con đường đi (về bản chất cũng là một sự lựa chọn/đánh đổi – choice/trade-off) để đi đến mục tiêu mà mình mong muốn (trong dài hạn).

Kế đến, người có tư duy chiến lược phải là người có khả năng hoạch định (planning), tức lập ra những kế hoạch dài hạn (long-term plan) và phân chia (break down) thành các bước đi cụ thể (stages) để thực hiện mục tiêu; và có khả năng “thấy” trước (foresee) những xu hướng (trends), diễn biến thay đổi của thời cuộc (environment) để điều chỉnh kế hoạch này.

Tư duy chiến lược, nói thì dễ, nhưng hiểu cho đúng và thực hiện cho đúng thì không đơn giản, đặc biệt trong xu hướng làm ăn chụp giựt, ngắn ngày của khá nhiều doanh nghiệp Việt.

Một tổ chức, công ty dù là tập đoàn cực lớn hay doanh nghiệp siêu nhỏ luôn cần những con người có tư duy chiến lược (strategic thinkers), biết hướng tầm nhìn ra xa, tìm những đích đến lâu dài, và biết lựa chọn những con đường tối ưu để đi đến cái đích đó. Đó không gì khác hơn là quá trình hoạch định chiến lược (strategic planning); và CHIẾN LƯỢC là thứ mà từ BÀ BÁN XÔI đến ÔNG CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN ĐA NGÀNH đều cần đến để phát triển bền vững (sustainable development). Ai có thể giải thích cho mọi người nghe bà bán xôi cần chiến lược để làm gì?

XEM THÊM:  Covid-19 tác động thế nào đến hành vi du lịch của 10+ thị trường nguồn quốc tế đến Việt Nam?

Thực tế, có những người bán xôi, bán bánh, thậm chí bán ve chai, rác thải…, nhờ có tư duy chiến lược mà trở thành những đại gia giàu có! Ngược lại, có những người, xuất phát điểm rất tốt (cơ nghiệp gia đình để lại lớn, khởi nghiệp thuận lợi, con nhà “có điều kiện”…), nhưng tư duy vụn vặt, ngắn ngày, nên dần dần đi xuống, có khi phải ra đường bán… xôi, mà còn không bán được. Ai tin không?

Đọc đến đây, ắt bạn hiểu được phần nào vì sao Group PTDNV lại đặt ra và theo đuổi một sứ mệnh (mision) không giống ai, không nơi nào có, đó là NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY…; và tất nhiên, trong đó có tư duy chiến lược!

* RẤT QUAN TRỌNG: Khi làm việc lớn và có tính chất lâu dài, đừng bao giờ mời gọi những người có tư duy vụn vặt tham gia đồng hành. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích ngắn hạn (và vụn vặt), nên thường tranh thủ “múc nhanh”, “xúc nhanh”, không muốn đồng hành với mình lâu dài đâu!
Làm việc nhỏ đã cần chiến lược thì nói chi đến việc lớn, vì sứ mệnh lớn, hoài bão lớn. Thà bạn đi một mình còn hơn đi chung với những người có tư duy vụn vặt, chỉ muốn “hốt nhanh”, “xúc lẹ”. Điều này tôi rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân mình!

Bài link gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/1786506518192271/

CÓ CHIẾN LƯỢC NHƯNG DOANH NGHIỆP CẦN PHẢI THẤU HIỂU ĐỐI THỦ

Khi hoạch định và thực thi chiến lược, ngoài thấu hiểu khách hàng ra, doanh nghiệp cần phải thấu hiểu đối thủ.
Thấu hiểu đối thủ để CÂN BẰNG và VÔ HIỆU HÓA điểm khác biệt của đối thủ bằng điểm tương đồng của mình, đồng thời để tìm kiếm và lựa chọn điểm khác biệt vượt trội của mình (mà đối thủ không có).

Cũng như mình, đối thủ cũng có insight chiến lược và insight thực thi, và ta cần phải hiểu cả 2 loại insight này của họ. Chưa kể, ta cần phải nghiên cứu những ẩn ý (hay thâm ý) của đối thủ để có chiến lược phù hợp và chiến thuật để ứng phó.

Bạn nào nghiên cứu cách thức cạnh tranh giữa Milo và Ovaltine, Omo và Tide, Coca và Pepsi, G7 và Nestcafe, nước mắm sản xuất công nghiệp và nước mắm sản xuất truyền thống, nước trà không ga và nước ngọt có ga…, ắt hiểu việc thấu hiểu đối thủ quan trọng đến mức nào!
Không thấu hiểu đối thủ, khó lòng giành chiến thắng!

* Đã ai nói điều này cho các bạn biết chưa? Nếu chưa, hãy tìm đọc lại các bài viết về insight chiến lược và insight thực thi trong Group. Và đừng quên đọc cả bài viết về việc làm thế nào để chiến thắng thương hiệu ngoại trên sân nhà.

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/2157176601125259/

Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu Phantich Doithu
Txl Ota Hieu Dung Ve Chien Luoc Ma Nhieu Nguoi Van Nham Voi Chien Thuat Muc Tieu Phantich Doithu

DOANH NGHIỆP NHỎ XÍU, LÀM CHIẾN LƯỢC THẾ NÀO?

Bạn tập tành bán hàng online trên fb. Bạn đâu thể quảng cáo là bạn bán tất tần tật mọi thứ? Đâu thể bảo, bạn bán từ mắm ruốc, hạt điều đến bàn ghế, ô tô… Bạn phải chọn bán gì trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm, đam mê của bạn, và nhu cầu của thị trường.

* Năng lực: Ví dụ, bạn có hiểu biết và các mối quan hệ trong ngành rau quả, thực thẩm, đặc biệt là hải sản. Bạn có người nhà ở một vùng miền nào đó, có thể chọn mua (hay đánh bắt) và gửi cho bạn những món hải sản tươi ngon và có hương vị đặc sắc nhất. Bạn biết cách ướp đá, trữ đông để giữ cho cá, mực, cua, sò… được tươi ngon khi gửi máy bay hoặc xe đò xuyên đêm đến tận Sài Gòn. Bạn cũng có quan hệ với các vườn rau, vườn trái cây hữu cơ hay sạch ở các vùng quen hay các tỉnh… Bạn biết cách chọn mua và bảo quản. Bạn có chút kinh nghiệm bán hàng online… Đó là những năng lực bạn có. Những năng lực này chưa phải là đủ, nhưng nó là cơ sở ban đầu để bạn chọn ngành kinh doanh online các sp hải sản và rau quả.

* Đam mê: Bạn cũng có đam mê kinh doanh các món này. Bạn từng nuôi, trồng, mua bán những món này trong quá khứ, và bạn yêu thích chúng..

* Thị trường: Thị trường SG rất cần những món này, đặc biệt là các loại hải sản ở vùng miền mà cha mẹ bạn đang sống.
Vậy bạn sẽ chọn khách hàng mục tiêu là ai và cạnh tranh bằng gì? Bạn suy nghĩ và chọn nhóm khách hàng mục tiêu là những người có thu nhập kha khá, chấp nhận chi tiền cao hơn để được dùng thực phẩm sạch và an toàn.

Bạn lựa chọn không cạnh tranh bằng giá (vì hàng của bạn là hàng sạch, ngon, nên giá mua vào đã khá cao). Bạn chọn tranh bằng sự KHÁC BIỆT và TẬP TRUNG. Bạn tập trung vào rau quả sạch, và hải sản đặc sản vùng miền, không bán tùm lum. Và sự khác biệt mà bạn phải truyền thông thường xuyên và NHẤT QUÁN là những giá trị vượt trội của sản phẩm (rau quả được canh tác theo tiêu chuẩn sạch hoặc/và hữu cơ nên an toàn cho sức khỏe; hải sản đặc sắc của vùng miền, được đánh bắt theo mùa, có hương vị đặc biệt, không “đụng hàng”…).

Bạn cũng bổ sung cho sự khác biệt vượt trội của bạn là sẵn sàng chấp nhận trả hàng, đổi hàng nếu khách nhận hàng xong mà không hài lòng. Bạn chấp nhận rủi ro gặp vài khách hàng “củ chuối”, hay quá khó tính, nhưng bù lại, bạn có được niềm tin từ nhiều khách hàng khác. Và bạn truyền thông điều đó công khai (chính sách đổi, trả), cam kết thực hiện nghiêm túc, và bạn cũng thật sự nghiêm túc thực hiện cam kết đó!

Những thứ mà tôi nêu trên, tuy chưa thể hiện hết các bước hoạch định chiến lược, nhưng đó cũng là chiến lược. Bạn lựa chọn kinh doanh lâu dài bằng những ĐẶC SẢN rau quả, hải sản sạch và tươi ngon, và không kinh doanh các thứ rau quả linh tinh khác. Bạn chọn phục vụ một nhóm đối tượng có tiền, kỹ tính trong ăn uống, thích ăn ngon và an toàn, trong số đó có nhiều người cùng quê ở cùng vùng miền đó với gia đình cha mẹ bạn (họ thích ăn những món hải sản ở vùng miền đó). Bạn chọn sự khác biệt đem lại giá trị cảm nhận vượt trội (SUPERIOR PERCEIVED VALUE) thay vì chọn giá rẻ. Và bạn cũng hướng đến đem lại tổng giá trị (TOTAL VALUE) cao nhất cho khách hàng.

XEM THÊM:  Tiết lộ 8 cách xem hạn sử dụng của rượu vang chuẩn nhất

Và bạn phải công bố chiến lược ấy cho đội ngũ nhân viên (hay cho chồng con hay vợ con, người nhà của bạn), để họ hiểu mà thực thi. Bạn cũng phải truyền thông rộng rãi và thường xuyên cho khách hàng biết về sản phẩm và những giá trị vượt trội của nó (như cách tôi đang làm cho Group PTDNV). Và bạn phải quản lý chất lượng sp, quản lý giao hàng, chăm sóc khách hàng, và đặc biệt, phải thực hiện các cam kết với khách hàng…Tạm gọi đó là chiến lược và thực thi đấy bạn ạ, dù chưa đầy đủ. Vậy thì, doanh nghiệp nhỏ xíu của bạn có làm chiến lược được không?

CHIẾN LƯỢC ĐA NGÀNH CỦA BÀ BÁN BÚN BÒ

Các tập đoàn đa ngành như Vingroup, Masan, Hòa Phát, Trường Hải… chắc ai cũng nghe qua. Và rất nhiều những tập đoàn, công ty đa ngành khác, hầu hết đầu rất lớn. Tuy vậy, không phải tập đoàn đa ngành nào cũng có chiến lược được hoạch định bài bản và chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do từng có nhiều tập đoàn phát triển nhanh như vũ bão rồi trở thành tơi bời trong… mưa bão

Vậy thì một bà bán bún bò liệu có thể có một chiến lược đa ngành không? Nhiều người có thể phì cười, vì thấy nó quá hài hước – bán bún bò mà đa ngành gì! Tôi không thấy hài hước tí nào! Một bà bán bún bó cũng hoàn toàn có thể có một chiến lược đa ngành (nếu bà muốn, tất nhiên, phải phân tích kỹ trước khi quyết định).

Chiến lược đa ngành đó là gì?
1. Giả sử, sau một thời gian bán bún bò khấm khá, và có cả chuỗi quán bún bò, bà quyết định mua một miếng đất làm chuồng trại nuôi bò giao cho người em có nghề nuôi bò phụ trách để lấy thịt cung cấp cho quán của bà, cho các quán khác, và bán luôn ra chợ.
2. Sau đó, bà lại thuê đất giao cho đứa cháu có nghề trồng các loại sau thơm, rau húng quế, chanh ớt phục vụ cho các quán bún bò và bán luôn ra chợ.
3. Kế đến, bà mua lại một xưởng sản xuất ra các loại muỗng, nĩa, đũa, chén đĩa để và giao cho người anh con ông bác có kinh nghiệm trong nghề này quản lý để sản xuất và cung cấp cho các quán của bà và bỏ mối cho các quán khác, rồi nhân tiện, bán luôn ra chợ.
4. Tiếp theo, thay vì mua bàn ghế từ một nhà cung cấp nào đó trang bị cho chuỗi quán của bà, bà quyết định đầu tư cho người anh ruột có kinh nghiệm mở xưởng sản xuất bàn ghế để tự cung cấp cho các quán của mình, và bán cho các quán khác, và bán luôn ra thị trường.
5. Khi cung cấp thịt bò cho một số nhà hàng, quán nhậu, bà thấy kinh doanh nhà hàng quán nhậu tiềm năng quá, bà quyết định đầu tư mở thêm nhà hàng và giao cho ông em họ có kinh nghiệm quản lý. Bà cũng mua lại vài quán nhậu ế ẩm và giao cho đứa cháu có nghề kinh doanh quán nhậu quản lý.
6. Khi mở nhà hàng, quán nhậu, bà được các nhà cung cấp bia, rượu, nước giải khát mời chào dữ quá, thế là bà tìm hiểu và nhận làm đại lý phân phối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát…
Như vậy, từ một quán bún bò, bà chủ quán đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều ngành (ngành chăn nuôi bò, ngành trồng và KD rau, ngành SXKD bàn ghế, ngành muỗng nĩa, bát, đũa, ngành nhà hàng, quán nhậu, ngành phân phối rượu bia, nước giải khát…).
Nếu bạn để ý sẽ thấy các ngành mà bà bán bún bò lựa chọn trong danh mục đầu tư đều có cơ cấu và cơ chế hoạt động liên quan với nhau, tạo nên sức mạnh cộng hưởng (hợp lực), và hỗ trợ lẫn nhau phát triển ở từng ngành riêng lẻ (tăng cường).
Đó chính là chiến lược đa ngành của bà bán bún bò, được tích hợp cả ngang, dọc, ngược, xuôi, và cả đa dạng hóa, áp dụng cả tự phát triển lẫn M&A…
Chiến lược đa ngành của các tập đoàn lớn cũng tương tự như vậy. Có gì khó hiểu không các bạn?

* PS: Các bạn đừng vội đánh giá chuyện thành công hay thất bại của bà bán bún bò. Đây chỉ là một ví dụ để các bạn nhìn thấy bức tranh tổng thể (big picture) về CL đa ngành. Đừng đi vào tiểu tiết vì trong thực tế, cần rất nhiều phân tích khi hoạch định CL đa ngành!

Bài viết gốc: https://www.facebook.com/groups/PhatTrienDoanhNghiepViet/posts/1787870204722569

CÁC CẤP ĐỘ CHIẾN LƯỢC

  • Chiến lược liên kết
  • Chiến lược công ty đa ngành
  • Chiến lược công ty (đơn ngành)
  • Chiến lược chức năng: Chiến lược kinh doanh, chiến lược tài chính, chiến lược sales & marketing, chiến lược nhân sự…
  • Chiến lược vận hành

CÁC BƯỚC HOẠNH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC CHO DOANH NGHIỆP

  • B1: Xác định hoài bão, tầm nhìn xứ mệnh
  • B2: Phân tích
    • Phân tích bên ngoài: vi mô (thị trường, cạnh tranh…), vĩ mô (kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghệ…)
    • Phân tích bên trong: Năng lực, điểm mạnh điểm yếu…
  • B3: HÌnh thành chiến lược (đảm bảo yếu tố thực thi)
  • B4: Thực hiện
  • B5: Đánh giá, kiểm soát 06-01 năm ngồi nhìn lại chiến lược, đánh giá đưa ra các chiến thuật, cần điều chỉnh chiến lược chức năng như thế nào để hoàn thành được chiến lược đã đưa ra.

TÓM LƯỢC NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CHÚ Ý KHI TÌM HIỂU VÀ LÀM CHIẾN LƯỢC

  • Chiến lược PHỤC VỤ CHO TẦM NHÌN
  • Chiến lược phải CÓ TRƯỚC mô hình kinh doanh
  • Một doanh nghiệp nhỏ xíu, một cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng CẦN CHIẾN LƯỢC
  • Khi hoạch định chiến lược và làm chiến lược hãy luôn ở trong TÂM THẾ CHIẾN THẮNG

Hãy tham gia nhóm Group PTDNV – phát triển doanh nghiệp Việt (Link tham gia trên Facebook) để tự học hỏi trang bị thêm kiến thức bạn nhé! Với vai trò là một người đã được học về chiến lược, mình rất mong những kiến thức mình tổng hợp và chia sẻ lại sẽ hữu ích cho mọi người.

 

Bạn có thấy hữu ích không? Hãy cho chúng tôi +1 nhé

Đăng ký nhận bản tin từ Website TXL

Tìm kiếm tức thì các thông tin tại website: tranxuanloc.com

Mẹo tìm kiếm: "Từ khóa cần tìm kiếm" site:tranxuanloc.com để tìm được kết quả chính xác trên công cụ tìm kiếm của google

Trần Xuân Lộc Blog cung cấp dịch vụ

TOP ĐỐI TÁC CUNG CẤP DỊCH VỤ DU LỊCH TRỰC TUYẾN HÀNG ĐẦU

(Đặt phòng, đặt tour, đặt xe, đặt vé máy bay...Nhấn vào link logo để đặt dịch vụ với nhiều ưu đãi hấp dẫn)

Cảnh báo: Hiện nay có rất nhiều đơn vị SỬ DỤNG LẠI các THÔNG TIN NỘI DUNG ĐÀO TẠO của KHÓA HỌC SALE OTA TỪ OTAVN mà không đảm bảo chất lượng và hỗ trợ về sau. Các bạn muốn đăng ký học SALE OTA uy tín hãy liên hệ trực tiếp với OTA Việt Nam. OTAVN có xây dựng các hình thức đào tạo trực tiếp offline cho doanh nghiệp, đào tạo 1-1 từ xa và tự học online. Chúng tôi có 2 tên miền là: otavietnam.com và tranxuanloc.com (founder) có chia sẻ và đăng tải các thông tin liên quan về OTA/ Sale OTA/ Digital Marketing/ Thiết kế website... Với khách hàng/ đối tác đã sử dụng dịch vụ của OTAVN sẽ được HỖ TRỢ MIỄN PHÍ các vấn đề phát sinh, tư vấn giải đáp sau khi đã hoàn thành khóa học hoặc sau khi đã sử dụng dịch vụ trọn đời. Hotline:0934552325 (iMessage/ Zalo/ Whatsapp) - Email: [email protected]